Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông”

Sáng 29-10, tại Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TƯ đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông”. Hội thảo có hơn 30 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ giảng viên từ các đơn vị tiêu biểu như: Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TƯ, các Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Trường THCS Giảng Võ Hà Nội…

Nội dung của các bài tham luận tập trung vào các vấn đề đánh giá vai trò của dân ca trong đời sống xã hội; thực trạng việc dạy và học dân ca trong các trường có đào tạo giáo viên âm nhạc, các trường phổ thông; đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy dân ca Việt Nam một cách có hiệu quả trong các cơ sở đào tạo giáo viên âm nhạc, các trường phổ thông, nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục âm nhạc đại trà cho nhà trường phổ thông và xã hội.

Theo TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TƯ, Trong thời đại hiện nay, đối với mỗi dân tộc trên thế giới, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng và mang ý nghĩa sống còn. Đó là tài sản vô cùng quý báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ ông cha, là cơ sở của sự phát triển văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại… Rất nhiều các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian, các thể loại dân ca truyền thống Việt Nam (trong đó có quan họ Bắc Ninh) đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng, mai một. Vì vậy, việc nhanh chóng bảo tồn một cách khoa học, có hệ thống ở tầm nhìn chiến lược đang là vấn đề cấp thiết. Tại Bắc Ninh- nơi sinh ra những làn điệu quan họ nổi tiếng, Trường trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã mở một khóa đào tạo hát dân ca quan họ với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân quan họ. Còn tại Thái Bình – nơi có những chiếu chèo nổi tiếng, Trường cao đẳng Nghệ thuật Thái Bình cũng đã có nhiều năm đào tạo diễn viên và nhạc công cho nghệ thuật chèo.

Nhạc sĩ Hoàng Kiều cho biết, đến nay còn khoảng 150 làn điệu chèo cổ. Mỗi làn điệu chèo cổ ấy đều do các thế hệ nghệ nhân ở khắp những vùng nông thôn bắc bộ xưa sáng tạo, bồi đắp mà thành.
GS.TS Phạm Minh Khang, thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, việc đưa dân ca, dân nhạc vào giảng dạy tại các trường phổ thông ở nhiều quốc gia trên thế giới không phải là hiện tượng mới mẻ mà nó đã trở thành một định hướng mang tầm chiến lược trong sự nghiệp giáo dục của họ. Còn tại Việt Nam, vấn đề này còn tồn tại nhiều ý kiến tranh luận khác nhau mà chưa đi đến sự đồng thuận. Vì chưa có được nhận thức rõ việc đưa dân ca vào giảng dạy tại các trường phổ thông nên đã tạo ra rất nhiều bất cập, nhiều nỗ băn khoăn trăn trở cho đội ngũ thầy cô giáo đang đảm nhận trọng trách này. Thực trạng của việc đưa dân ca vào giảng dạy tại các trường phổ thông hiện nay mới chỉ mang tính hình thức, chưa được quan tâm một cách đúng mức. Qua khảo sát ở một số quốc gia trên thế giới, họ đã kết hợp dạy hát dân ca với các trò chơi dân gian cho trẻ em ở các ở các vùng nông thôn khác nhau. Những trò chơi dân gian này ở Việt Nam có rất nhiều như: chơi sáo diều, nhảy dây, chơi ô ăn quan, đánh gụ, chơi chong chóng… nếu biết kết hợp và sử dụng hợp lý thì sẽ đạt hiệu quả.

Theo ông Khang, việc đưa dân ca vào giảng dạy tại các trường phổ thông là một định hướng đúng đắn, nó làm cho nội dung chương trình dạy âm nhạc ở trường phổ thông thêm phong phú, đa dạng, phù hợp với Nghị quyết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Ý kiến nhạc sĩ Hoàng Long cho biết, ở Việt Nam, trong chương trình giảng dạy âm nhạc của Tiểu học và Trung học cơ sở, các nhà sư phạm và giáo dục đã chú ý đưa dân ca vào sách giao khoa, nhưng còn ở mức độ khá khiêm tốn. Nhiều ý kiến cho rằng, dân ca là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông để lại, do đó trong nội dung giáo dục âm nhạc ở các trường học cần dạy dân ca trong nội khóa với tỷ lệ thích đáng. Ngoài ra phải tăng cường các hoạt động ngoại khóa âm nhạc, trong đó âm nhạc dân gian nói chung và dân ca phải được đặc biệt quan tâm. 

Đa số ý kiến tại buổi hội thảo thống nhất rằng, đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc lại có âm điệu, lời ca riêng… đó là những giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca là đưa dân ca đến mọi tầng lớp, nhất là các em học sinh ở bậc cơ sở, để dân ca dần trở thành một thành tố âm nhạc không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Việc đưa dân ca vào trường trung học cơ sở là phù hợp và là một trong những biện pháp giáo dục toàn diện cho học sinh hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, tuy nhiên, để làm được việc này không phải đơn giản mà cần có cách nhìn mang tính chiến lược, được xây dựng trên cơ sở khoa học, kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn, đặc biệt là khâu đào tạo và xây dựng đội ngũ giáo viên.


Đình Tuấn

(nguồn: nhandan.com.vn)

Các tin khác