Người lái đó ở bến đó làng tôi là ông lão Cần. Ông sống chỉ có một mình, Mẹ tôi kể rằng vợ và con ông đã chết hết trong một trận càn của giặc Pháp, còn ông thì tham gia Cách Mạng từ trước ngày cướp chính quyền, thường xuyên chở đò đưa cán bộ du kích đi lại hoạt động bí mật ở vùng này.
Sau khi giải phóng quê tôi, các cán bộ ủy ban xã có mời ông nghĩ và xây dựng cho ông một ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ nhưng ông không chịu ở, ông nhường lại cho nhà trẻ của xã và ra khúc sông này sống với con đò, ông nói: “Cả đời tôi đã gắn bó với dòng sông này, với con đò này, tôi không thể nào xa nó được. Chừng nào còn sống, còn hơi sức, tôi muốn mình được làm công việc của người lái đò hằng ngày chở bà con mình qua lại cho đỡ vất vả. Đó cũng là niềm vui của tôi vậy”.
Lũ trẻ trong làng chúng tôi thường rủ nhau ra bến sông chơi, và những lúc ông Cần không bận chở khách, ông cho cả bọn lên đò và chở đi một vòng, sang bờ bên kia sau đó lại vòng về bờ bên này. Những chuyến đi như vậy làm chúng tôi vô cùng thích thú. Thảng hoặc những đêm trăng sáng mà không vướng chuyện bài vở hoặc những đêm hè. Lũ chúng tôi lại kéo nhau lên đò nghe ông Cần kể chuyện. Ông kể cho chúng tôi bao nhiêu là chuyện, từ chuyện cổ tích cô nàng công chúa, hoàng tử và các ông Vua tài giỏi đến những chuyện đánh Tây, đánh Nhật. Chuyện nào ông kể cũng thiệt là hay, thật là hấp dẫn làm cả bọn trẻ chúng tôi đều phải tròn mắt, dõng tai và hả mồm như nuốt lấy từng lời kể của ông. Hình ảnh ông Cần và con đò đã thân thiết và gắn bó không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày của lũ trẻ chúng tôi.
Thế mà sáng nay, tôi đang mơ màng, say sưa trong giấc ngủ, thì mẹ tôi lay tôi dậy. Mẹ tôi nói nhanh.
- Ra bờ sông, chỗ bến đò mau.
Rồi mẹ tôi vội vã đi. Tôi chưa hiểu chuyện gì song cũng lật đật chạy theo.
Từ xa, tôi thấy mọi người xúm đông xúm đô quanh một vật gì mà tôi cũng chưa thấy rõ. Khi chạy đến tận nơi tôi mới biết đó là một chiếc quan tài. Mẹ tôi suốt dọc đường đi thì im lặng giờ mới quay sang tôi nói nhỏ.
Đây là quan tài ông Cần…
Tôi bàng hoàng cả người. Thật vậy sao? Chiều qua lúc đi học về tôi còn thấy ông chở đò kia mà, lẽ nào..!?!
Qua lời mọi người bàn tán, xì xào, tôi mới hiểu rõ. Đêm qua các anh công an trong xã đuổi bắt một tên cướp chạy qua đây. Khi chạy tới sông này hắn đã dùng súng ngắn uy hiếp ông Cần buộc ông phải chở hắn qua sông, trước họng súng lăm lăm ông Cần đã khôn khéo giả vờ đồng ý song ông cố tình ghim con đò đi thật chậm để các anh công an và du kích đuổi kịp. Khi hiểu ra điều đó, trước lúc bị các anh công an bẻ tay đưa vào còng, tên cướp như con thú điên đã kịp giương súng bắn vào ngực ông Cần…
Tôi vừa nghe lọt câu chuyện thì các bác, các chú trong ủy ban xã cùng các anh công an du kích đã tập trung đưa chiếc quan tài của ông Cần về ủy ban xã để làm lễ truy điệu cho ông cụ. Không hiểu từ lúc nào, tất cả lúc trẻ trong làng đều không thiếu một đứa. Chúng tôi theo bước dân làng tiến về ủy ban xã. Riêng tôi, tôi còn cố nán lại sau và bước tới phía bến sông, nơi bây giờ chỉ có độc mọt con đò của ông Cần cắm sào đứng đó. Con đò hằng ngày quen thuộc, thân thiết mà sao lúc này tôi thấy nó lẻ loi, cô đơn quá đỗi vì thiếu bóng dáng ông Cần.
Mắt tôi chợt nhòe đi và có cái gì dâng lê nghèn nghẹn ở nơi cổ họng. Bất giác tôi bật lên tiếng gọi khẽ: “Ông ơi…!!!”.
BÙI ANH TÔN