Giáo dục âm nhạc truyền thống cho trẻ em - GS. Trần Văn Khê

Trong hệ thống giáo dục tại các nước châu Á, môn âm nhạc - nhứt là âm nhạc dân tộc - thường không được chú trọng bằng các môn về khoa học và kỹ thuật, lại chỉ chú trọng giảng dạy về kỹ thuật sử dụng và luyện tập nhạc khí hơn là kích thích trí tưởng tượng sáng tạo và hướng dẫn học sinh cách thưởng thức âm nhạc mang tính chất mỹ học.Trong khi đó, trước sự tấn công ồ ạt của các phương tiện truyền thông đại chúng, trẻ em trở thành những thính giả thụ động, tiếp nhận không chọn lọc những luồng văn hoá từ bên ngoài xâm nhập vào. Việc giúp cho các em nhận thức được bản sắc văn hoá dân tộc là rất cần thiết để trên cơ sở đó các em có thể tiếp nhận văn hoá của thế giới một cách đúng đắn hơn.

Chính vì vậy mà vào năm 2001, Phòng Nghệ thuật và Kế hoạch văn hoá của Unesco phối hợp với Hội đồng quốc tế âm nhạc đã gởi văn thơ cho một số hội đoàn, tổ chức phi chánh phủ cùng các chuyên gia và nhà giáo dục âm nhạc để thông báo về dự án “Ðem âm nhạc dân tộc vào chương trình giáo dục cấp tiểu học tại châu Á”. Việc này không nhằm mục đích để huấn luyện các em trở thành ca sĩ hay nhạc sĩ mà chỉ là giúp cho các em nhận thức được bản sắc văn hoá dân tộc và quan trọng nhứt là gieo tình yêu âm nhạc truyền thống vào trong tim của các em, căn cứ trên phương pháp xây dựng óc sáng tạo của học sinh.

Nhưng để tìm ra cách áp dụng việc giảng dạy âm nhạc dân tộc trong các trường tiểu học ở châu Á, cần có một nơi làm thí điểm, vì không thể áp dụng các phương pháp của phương Tây cho các nước Á châu. Phòng Nghệ thuật và Kế hoạch Văn hoá của Unesco dự định chọn năm nước châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam để nhờ các chuyên gia nước sở tại hợp tác trong việc tìm ra một phương pháp sư phạm phù hợp. Ðây chính là điều tôi đã từng nhiều lần đề xuất trong những hội nghị về giáo dục âm nhạc từ trước đến nay, vì vậy tôi là người đầu tiên hưởng ứng đề nghị này.

Sau một quá trình trao đổi, Phòng Nghệ thuật và Kế hoạch Văn hoá của Unesco và tôi đã đi đến thoả thuận tiến hành một thể nghiệm đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình này được UNESCO ủng hộ về tinh thần cũng như tham gia về tài chánh, trong nước thì được sự đồng thuận của Sở Văn hoá và Thông tin TP HCM, đã chỉ định đơn vị đứng ra thực hiện là Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật, với sự hỗ trợ tích cực của Sở Giáo dục và Ðào tạo TP HCM, trường Tiểu học Trần Hưng Ðạo, sự cộng tác của nhiều nhân sĩ thành phố.
Thế là đầu tháng 5/2004 vừa qua, tôi trở về nước để trực tiếp tiến hành giảng dạy lớp thể nghiệm, qui tụ 20 giáo viên âm nhạc cấp I có nhiều kinh nghiệm, hầu hết đều đang dạy học tại TP HCM. Theo chương trình, ba buổi đầu tiên là dành cho các giáo viên với các bài giảng đại cương về âm nhạc dân tộc Việt Nam cả hai truyền thống dân gian và bác học, nhằm trang bị một số kiến thức âm nhạc truyền thống cơ bản cho các giáo viên này.

Tiếp theo là phần giảng dạy âm nhạc cho lớp học gồm có 20 em được chọn lựa từ những học sinh cấp I tại trường Tiểu học Trần Hưng Ðạo. Các giáo viên ngồi bên dưới dự thính, quan sát và ghi chép. Kết thúc mỗi buổi học các giáo viên đều ngồi lại với tôi để rút ra những nhận xét và đúc kết các nguyên tắc giảng dạy.
Tôi áp dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học, đầu tiên hướng dẫn các em làm quen với tiết tấu với cách thức đơn giản bằng cách tập cho học sinh vỗ tay, vỗ đùi, vỗ lưng, dậm chân, đi tới đi lui… Tiếp theo tôi dạy các em sử dụng thanh tre và song lang để gõ nhịp. Tiết tấu đi đôi với động tác múa, các em vừa hát vừa múa theo thầy dạy. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, các em đã tiếp thu được bài học về tiết tấu qua những trò chơi vui vẻ và thú vị nhưng trong vòng trật tự. Ðể thêm phần hào hứng tôi chia lớp học ra làm hai nhóm cùng tham gia trò chơi tiết tấu bằng cách thay nhau đánh nhịp một, rồi nhịp đôi, rồi hai bên thách đố nhau đánh các nhịp như chẻ hai, chẻ bốn… và lớp học biến thành một buổi vui chơi có sự tranh đua.

Sau đó tôi cho các em học đánh trống theo truyền thống Việt Nam, nghĩa là đánh trống miệng trước khi đánh trống thật, tập cho các em có tinh thần sáng tạo bằng cách chuyển từ nhịp trường canh đến nhịp đôi, nhịp tư, tập chẻ nhịp và lần lần đi đến nhịp ngoại, nhịp chỏi.

Nguyên tắc tôi áp dụng trong những buổi học là đi từ từ giản dị đến phức tạp, từ cái biết đến cái chưa biết, từ gần đi tới xa, cụ thể đến trừu tượng, từ độc tấu đến song tấu, tam tấu và hòa tấu (từ cá nhân đến tập thể), từ một nhạc khí đến hai, ba, bốn nhạc khí khác nhau.

Phương pháp sư phạm rất mới và khác hẳn những phương pháp được áp dụng từ trước đến giờ. Trong khuôn khổ một bài báo tôi không thể giới thiệu trong chi tiết các phương pháp ấy. Chỉ tóm tắt những ý chánh như:

- Luyện lổ tai nghe cho chính xác, vận dụng trí nhớ ghi lại trong đầu những gì Thầy dạy trước khi luyện con mắt đọc đúng, đọc mau những tín hiệu của bản ký âm theo cổ truyền hay theo phương Tây. Như vây là dạy truyền ngón, truyền khẩu trước khi dạy ký âm

- Dạy tiết tấu trước khi dạy giai điệu, vì tiết tấu đã dính liền với con người từ lúc còn là bào thai, đã nghe nhịp trái tim của mẹ của mình. Nôi, võng đong đưa, ngọn tre đầu làng phất phơ theo gió, nước lớn nước ròng, ngày tiếp theo đêm đều là tiết tấu..

- Tập cho trẻ em có óc sáng tạo những câu ca dao mới, phỏng theo ca dao cổ
 
Tôi dạy các em sử dụng những nhạc khí về tiết tấu trong bộ gõ, từ song lang, trống, trước khi đi đến những nhạc khí trong loại đàn có dây khảy hay các kèn sáo. 

Tôi cũng dạy những bài hát ru, hát đồng dao, bài vè, câu đố, những bài thơ cho học sinh, sau tiết tấu đi lần dến các chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống, phát âm và hát bằng tên chữ nhạc. Dạy các em chép nhạc theo phong cách truyền thống, sau khi thuần thục sẽ đi đến cách chép nhạc theo phương Tây trên khuông nhạc 5 dòng.
 
Tất cả các buổi thuyết trình, giảng dạy và những buổi lên lớp thể nghiệm đều  được quay video đem về Pháp để nhân viên Unesco cùng tôi hội ý trong việc chọn lọc những đoạn cần thiết dựng thành một phim tài liệu hữu ích, chẳng phải riêng cho Việt Nam mà có thể phổ biến tại tất cả các nước trong khối Á Phi. Từ đó kết quả việc làm trên có thể được đưa ra giới thiệu và phổ biến cho cộng đồng các nước châu Á và châu Phi qua các cơ quan văn hoá của Unesco.
 
Sau khi trở về Pháp, báo cáo chi tiết chương trình thể nghiệm dài 30 trang của tôi gởi cho Unesco đã nhận được sự tán dương của Phòng Nghệ thuật và Kế hoạch văn hoá, đồng thời cũng lôi cuốn sự quan tâm của đông đảo bà con người Việt tại Paris. Chính vì vậy mà tôi lại được mời nói chuyện nhiều buổi  tại Hội quán Hội người VN tại Pháp cũng như tại Phật đường Khuông Việt ở Paris, trước những kiều bào trí thức, dược sĩ, bác sĩ. Tôi rất xúc động khi thấy trong số thính giả có một em bé Việt Nam 8 tuổi và một bà cụ 102 tuổi cả hai đều theo dõi buồi nói chuyện từ đầu đến cuối.
 
Mọi người rất háo hức được nghe nói chuyện về việc thể nghiệm đem âm nhạc dân tộc dạy cho trẻ em bậc tiểu học trong nước nên đến tham dự rất đông, ngoài dự kiến của ban tổ chức. Trong các buổi nói chuyện này, thông thường tôi thuyết trình trong 30 phút và sau đó chiếu phim vidéo ghi hình các buổi giảng dạy. Hầu hết mọi người đều tỏ ra thú vị, thậm chí vài người cảm động rơi lệ khi nhìn cảnh trẻ em vui vẻ, thích thú trong giờ học nhạc truyền thống, nhứt là khi nghe các em đối đáp thông suốt những câu hỏi của thầy về âm nhạc dân tộc, mà hẳn là một số người lớn - vốn hờ hững với âm nhạc truyền thống - cũng phải chịu thua.
 
Hầu như tất cả đều ủng hộ thể nghiệm trên đây và đều đặt một câu hỏi giống nhau: liệu chương trình này sẽ được phổ biến rộng rãi trong hệ thống giáo dục nước nhà hay không?
 
Câu trả lời của tôi cũng giống như đã từng trả lời với các báo trong nước: “Việc này nằm ngoài tầm tay và quyền hạn của tôi. Tôi chỉ có thể làm nhiệm vụ gieo hạt giống. Nếu gặp mảnh đất phì nhiêu, được nhiều người ra tay vun tưới thì sẽ có cây xanh, hoa tươi, trái ngọt. Nếu chẳng may đất cằn cỗi, không ai quan tâm chăm sóc thì hạt giống sẽ chết đi trong lòng đất. Ðó sẽ là một điều rất đáng tiếc.”
Các tin khác