Nhạc sĩ BÙI ANH TÔN
“ Em có tai mà đâu biết nghe.Lời yêu thương theo gió bay xa. Ai nói em nghe được đâu. Em nhìn thôi và em mỉm cười.
Em có chân mà đâu biết đi. Cuộc đời em trên chiếc xe lăn. Em muốn vui tung tăng đùa chơi. Nào được đâu, em đành ngồi yên lặng lẽ…”
Nếu những ai đã một lần đến những trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhìn thấy tận mắt cuộc sống, sinh hoạt của các em, mới thấy hết những nỗi đau mất mát, thiệt thòi mà những em bé phải gánh chịu. Những tâm hồn trẻ thơ, những tấm thân gày yếu, mảnh mai… nhưng các em đã phải mang trên mình những tật nguyền, điều mà có lẽ các em chẳng bao giờ mong muốn. Thế nhưng số phận lại đem đến cho các em những điều bất hạnh.
Trong một lần đến để tập văn nghệ cho một trường phổ thông phối hợp với một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật để xây dựng chương trình văn nghệ mừng lễ đón nhận Huân chương lao động do Chủ tịch nước tặng cho trung tâm vì đã có thành tích xuất sắc trong các hoạt động chăm sóc trẻ khuyết tật, tôi đã tận mắt chứng kiến những em bé như thế. Các em có bé không đi được, quanh năm chỉ nằm một chỗ. Có em thì bị mùa lòa, không biết đến ánh sáng mặt trời. Nhiều em bị dị tật, khuyết tay chân…hay bị biến dạng vì chất độc da cam. Nhìn các em, nằm, sinh hoạt trong các phòng, người tiếp xúc không thể không ngậm ngùi, thương cảm.
Tuy nhiên tôi vẫn bắt gặp những nụ cười, những ánh mắt của các em khi nhìn thấy khách đến thăm. Có em mỉm cười, có em vẫy tay...nhiều em còn nhận biết ra là chúng tôi đến thăm nên đã tỏ vẻ vui mừng. Tôi đã cảm nhận ra điều đó trong ánh mắt của các em, trong những dáng gày nhỏ bé đứng lặng lẽ nơi góc phòng, nơi hành lang của các dãy nhà mà tôi đi qua.
Cuộc sống có những điều thật là kỳ diệu. Các em đã được thày cô nuôi nấng, chăm sóc và dạy dỗ. “ Em về đây dưới mái trường này. Bao ngày qua học nói ê a. Những bước chân em đi chập chững. Thầy cô nâng bước cho em vào đời…”. Có thể nói những thầy cô giáo ấy đã sống vì các em, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Những cô giáo trẻ chưa từng làm mẹ đã như sớm trở thành người mẹ thực thụ chăm sóc cho các bé một cách tận tâm, một cách quên mình…
Không chỉ có các thầy cô quan tâm đến các em, mà cả xã hội quan tâm, dành cho các em những tình cảm yêu thương nhất. “ Những tấm lòng nhân ái, là vòng tay yêu thương cuộc đời. Những trái tim tha thiết, cho em nồng ấm tình người.Những tháng ngày đến lớp, cho em nụ cười trên môi. Cho em bao hy vọng, cuộc đời đẹp như giấc mơ”.
Quả là cuộc sống vẫn có những điều tưởng như chỉ có trong giấc mơ nhưng lại là điều có thật, hiển hiện trong cuộc đời. Các em bé trong những mái ấm, nhà mở, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, các trường chuyên biệt…có lẽ đã gặp được những giấc mơ có thật trong cuộc sống của mình.
Trong đợt công tác ấy, tôi đã viết được bài hát “ Vì những niềm vui cho trẻ thơ ”, như là sự tri ân và ngợi ca những tấm lòng của biết bao thầy cô giáo đã tận tụy chăm lo cho những em bé thiệt thòi và bất hạnh. Công việc của họ thật vất vả và lặng thầm…
Tôi còn nhớ rất rõ trong buổi sáng làm lễ đón nhận Huân chương Lao động của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ấy, chương trình văn nghệ chào mừng đã có cả tiết mục múa của các em bị khiếm thính( không nghe được nhạc nhưng vẫn múa được, lại rất đẹp). Trên sân khấu khi bài hát “ Vì những niềm vui cho trẻ thơ ” của tôi vang lên, có cả các em bé ngồi trên xe lăn, những em bé chống nạng cũng tham gia hát trên sân khấu cùng thầy cô giáo. Tôi đã thấy khi bài hát kết thúc, trong những tiếng vỗ tay vang khắp cả hội trường có cả hoa, có cả những nụ cười và những giọt nước mắt lấp lánh…
Sài Gòn, tháng 11/2014.
B.A.T