Nhà giáo - Nhạc sĩ BÙI ANH TÔN
Tôi còn nhớ khoảng đâu năm 2000, trong lúc đứng trước gương chải đầu, chỉnh sửa trang phục để chuẩn bị cho một buổi đi dạy học, tôi chợt thấy trên mái tóc của mình xuất hiện mấy sợi tóc bạc. Một chút ngỡ ngàng, bởi vì có lẽ đây là những sợi tóc bạc đầu tiên của cuộc đời, kể từ khi là một chàng trai hai mươi bốn tuổi đứng trên bục giảng cho đến ngày hôm đó, cái ngày báo hiệu rằng ta không còn trẻ nữa-đã bước sang tuổi tứ tuần. Và lời tự nói thầm : “ mái tóc bắt đầu thêm sợi bạc ” từ một câu nói tưởng như vu vơ nhưng ngay sau đó lại bất chợt ngân lên một giai điệu nhẹ nhàng, chầm chậm như một lời tự sự : “ Mái tóc mỗi ngày thêm sợi bạc, sân trường in dấu chân mỗi ngày…”. Câu hát đầu tiên ấy tôi hát thầm ở trong tim và sau câu hát ấy tôi vội vã đi đến trường, bước thẳng vào lớp học…
Sau đó tôi về, mở trang giấy kẻ nhạc và bắt đầu cho việc sáng tác bài hát với câu mở đầu như thế. Tuy nhiên tôi chỉ viết thêm được một vài câu nhạc, sau đó không thể viết tiếp được nữa. Bài hát còn đó, như là một ý tưởng và dang dở…
Cũng có một đôi lần tôi có ý định viết tiếp cho bài hát này nhưng cứ mỗi khi mở bản nhạc ra và ôm đàn Guitar, bật lên vài giai điệu tiếp nối thì tôi không thể viết tiếp được. Những giai điệu cứ khô cứng, chập chững vang lên như một đứa trẻ đang tập đi chưa vững, cứ ngả nghiêng vậy. Tôi biết rằng không thể viết tiếp trong gượng ép một bài hát như thế nên đã tự nhủ rằng “ hãy để đó…hãy quên đi một thời gian” như nhiều nhạc sĩ cũng làm thế mỗi khi mà mạch cảm hứng sáng tác bị “ đông cứng”. Tôi đã cố tình quên hẳn bài hát này trong khoảng gần hai năm, không đả động gì đến nó. Đôi lúc chỉ thoáng nhớ là mình có một bài hát sáng tác về đề tài ấy nhưng còn dang dở, cũng chỉ là nhớ loáng thoáng vậy thôi.
Cho đến năm 2004, trong một lần bị cảm cúm, phải nghỉ dạy và nằm ở nhà mấy ngày, tôi chợt nhớ ra và lật giở lại bản nhạc đã viết dở lần trước với ý định sẽ sáng tác tiếp. Một mình trong căn nhà, vợ đi làm, con thì đi học, tôi ôm đàn Guitar hát lên giai điệu của câu hát mở đầu: “ Mái tóc mỗi ngày thêm sợi bạc, sân trường in dấu chân mỗi ngày. Viên phấn nghiêng cùng bao nét chữ, có hạt buị trắng bay bay…”. Có lẽ do mấy ngày nằm ở nhà một mình, có thời gian rảnh rang ngẫm nghĩ về cuộc đời, nghĩ về nghề dạy học, nghĩ về mái trường với hình ảnh sân trường cây xanh bóng mát, cảm giác nhớ những tiếng nói và ánh mắt học trò, những tiếng đàn, tiếng nhạc, tiếng xôn xao của lớp học…đã tạo cho tôi một dòng cảm xúc dào dạt giúp tôi viết được cả bài hát một cách khá thuận lợi và trôi chảy. Những câu nhạc cứ thế tiếp nối vang lên: “ Ánh mắt vẫn trìu mến yêu thương, và giọng nói còn vang ấm trong ngôi trường, bên đàn em, gieo bao khát vọng tuổi xanh”. Rồi những hình ảnh của biết bao thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài cùng trang giáo án, bên những ngọn đèn khuya, từ nơi phố thị đến những làng quê xa xôi, từ miền núi cao đến những vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương hay nơi miền biển cát trắng…cứ như hiện rõ mồn một trong tôi, để tôi viết nên những câu hát tiếp theo: “ Ơi! Ánh trăng đêm soi hàng cau đứng bên thềm. Nghiêng, dáng ai nghiêng bên đèn khuya, miệt mài cùng trang giáo án…”
Thỉnh thoảng việc sáng tác của tôi, những câu hát bị gián đoạn bởi những cơn ho bất chợt đến, tôi như cảm thấy ớn lạnh nhưng nào có hề chi, tôi đang say trong cảm xúc và những giai điệu tha thiết cuồn cuộn trào dâng: “ Trái tim, trái tim người thầy, vẫn bỏng cháy khát khao cuộc đời. Năm tháng qua sông một con đò, đi suốt một thời thanh xuân. Trái tim, trái tim người thầy, vẫn đầy ắp yêu thương cuộc đời. Cùng thời gian, đưa em đến bờ bến xa…”. Tôi đã thấy, đã trải nghiệm để biết rằng có biết bao thầy cô giáo từ lúc còn là những chàng trai, cô gái trẻ trung, yêu đời, căng tràn nhựa sống và đầy ắp nhiệt huyết đã dành cả một quãng thời gian dài của thời tuổi trẻ gắn bó với nghề dạy học, với sự nghiệp trồng người thật thầm lặng. Họ như những người lái đò miệt mài trên dòng sông thời gian, đưa đàn em hết thế hệ này đến thế hệ khác đến những bến bờ của tri thức, chắp cánh cho những ước mơ bay bổng…
Rồi những mùa thi cũng qua đi. Những lớp đàn em rồi cũng như những cánh chim tung cánh bay vào đời. Chỉ còn lại những bước chân nhiều lúc lặng lẽ trong tiếng ve gọi hè, trong mùa hoa phượng đỏ rực sân trường của những thầy cô giáo bên những hàng cây, ghế đá…Họ có những niềm vui, hạnh phúc trong thầm lặng, không ồn ào, như bản tính của những nhà giáo vốn luôn luôn là vậy. Những hình ảnh ấy cứ vương vấn, như một cuốn phim quay chậm trong đầu để tôi viết lên những câu ca từ: “ Biết bao mùa thi đã qua, lớp lớp đàn em đã đi xa. Bên hàng cây, chỉ còn lại bước chân người thầy. Bước chân lặng lẽ một đời, vẫn như thầm nói bao điều, về những tháng năm ươm mầm xanh. Bước chân lặng lẽ một đời, vẫn như bài hát không lời, về một trái tim, trái tim người thầy ”.
Bài hát được viết xong, cứ như thế, như là câu chuyện về cuộc đời của những người thầy xung quanh tôi, hoặc ở đâu đấy trong số hàng triệu thầy cô giáo ở khắp mọi miền của đất nước. Xin dành tặng bài hát này đến tất cả những thầy cô giáo, những đồng nghiệp của tôi ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S này, đồng thời cũng dành tặng cho quí phụ huynh và các em học sinh, để hát lên trong mỗi dịp lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), như là những bông hoa dành tặng cho thầy cô giáo của mình, những người mà có lẽ các em sẽ dành trọn tình cảm yêu mến và kính trọng trong tháng 11, tháng lễ hội của thầy cô – những người đi ươm mầm xanh tương lai cho đời.
Tôi xin kết thúc bài viết của mình về bài hát “ Trái tim người thầy”, một bài hát mà tôi đã sáng tác về nghề giáo, nghề mà tôi đã theo đuổi và gắn bó gần 30 năm qua. Đây là bài hát mà tôi cảm thấy tâm đắc trong mảng đề tài viết về ngành giáo dục của tôi, với tư cách là người sáng tác - một nhạc sĩ. Bài hát này tôi đã chọn làm tựa đề cho tập ca khúc của tôi được in vào dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20 tháng 11 năm 2013, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, đồng thời cũng là tên Album CD Audio phát hành trên mạng Internet cùng thời điểm. Trong lời đề tựa cho tuyển tập ca khúc ấy tôi đã viết rằng: “ Ở đâu đó, trong các bài hát mà tôi đã viết về thầy cô và mái trường, tôi lại thấy có cả mình trong đó – một nhà giáo, người kĩ sư tâm hồn. Đó là điều làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc…”.
Tháng 11/2014.
B.A.T